710 106
Minh Đức. 14:42:10 15-12-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 2549.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Hòa thượng Giác Toàn thăm và sách tấn hành giả khoá tu lần 27 vào ngày thứ 2

Hòa thượng Giác Toàn thăm và sách tấn hành giả khoá tu lần 27 vào ngày thứ 2Vào ngày thứ 2 của khóa tu, nhằm ngày 04 – 05/11/Mậu Tuất (ngày 10-11/12/2018), tại Tổ đình Minh Đăng Quang tỉnh Vĩnh Long, HT. Giác Toàn – Trưởng Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, Trưởng Ban tổ chức khoá tu Truyền thống Khất sĩ lần thứ 27 đã quang lâm và sách tấn chư hành giả tham dự khóa tu.

Hoà thượng đã chia sẻ với chư hành giả về pháp tu qua bài Chơn lý Khất sĩ số 11, Chơn lý Tâm số 17 và bài kinh Chăn Trâu (kinh Tăng Nhất A Hàm). Từ bài Chơn lý Khất sĩ, đức Tổ sư chỉ dạy người Khất sĩ phải có cái biết từ nơi sự học (học từ nơi cỏ, cây, thú, người, trời, Phật, đất, nước, lửa, gió), và chính cái biết như thật tánh các pháp để thoát khổ: “Biết quý báu hơn không biết, có biết mới hết mê lầm chấp trật, khổ sở nạn tai.” (Chơn lý Khất sĩ) và pháp Khất sĩ được chia làm ba bậc: 1/ Khất sĩ Thinh văn, 2/ Khất sĩ Duyên giác, 3/ Khất sĩ Bồ tát. Mỗi bậc với  hạnh nguyện tu tập khác nhau nhưng rốt cùng chỉ có con đường khất sĩ mới đoạn trừ phiền não khổ đau được, như đức Tổ sư khẳng định: “Ngoài khất sĩ ra không có pháp nào thứ hai để diệt tham sân si được.”

Đến bài Chơn lý Tâm, Ngài cũng chỉ dạy người tu nên trau dồi tam nghiệp: thân, khẩu, ý cho thuần thiện, chơn chánh để tiến lên lớp cao trên của trời, Phật. Và đức Tổ sư ví cái tâm như hột giống: “Muốn thành tựu cái tâm, hột giống, thì cần phải có đủ cả thân khẩu ý, nếu thiếu một cái cũng chưa gọi là tâm, hột giống được hay như hột giống còn lỡ dở chưa tròn…

Vậy cho nên:

Hột giống thú là thân khẩu ý ác.

Hột giống người là thân khẩu ý nhơn.

Hột giống Trời là thân khẩu ý thiện.

Hột giống Phật là thân khẩu ý chơn.” (Chơn lý Tâm)

Hai bài Chơn lý trên, Hoà thượng hướng dẫn cho chư hành giả xây dựng nếp sống chân chánh, thiện từ nơi thân khẩu ý và làm cho chúng thanh tịnh. Và muốn được như vậy, hành giả phải cầu học khắp nơi cùng xứ để có cái biết viên mãn hay hột giống giác ngộ (Phật). Đó chính là đích đến của các bậc khất sĩ cắt ái ly gia, tâm hướng đến Niết-bàn Thánh quả.

Và tiếp theo, Hoà thượng trích dẫn bài kinh Chăn Trâu trong kinh Tăng Nhất A Hàm để giảng dạy cho hội chúng. Bài kinh này, đức Phật dạy cho các đệ tử phải biết cách tu tập đúng đắn hay hành trì trọn vẹn 11 pháp đưa đến đạo quả an vui, giải thoát cho tự thân và hội chúng sẽ được cường thịnh, và mười một pháp đó là: “Tỳ-kheo nếu thành tựu mười một pháp, nơi hiện pháp này được nhiều lợi ích. Thế nào là mười một pháp? Ở đây, Tỳ-kheo biết sắc, biết tướng, biết cọ rửa, biết chăm sóc vết thương, biết xông khói, biết chỗ ruộng tốt cỏ ngon, biết chỗ đáng yêu thích, biết chọn đường đi, biết chỗ qua sông, biết ăn vừa đủ, biết kính trọng Tỳ-kheo trưởng lão và tùy thời lễ bái.”

Như vậy, qua hai bài Chơn lý của đức Tổ sư: Chơn lý Khất sĩ số 11, Chơn lý Tâm số 17 và bài kinh Chăn Trâu (kinh Tăng Nhất A Hàm), Hoà thượng đã dẫn giải phương cách tu tập rất cụ thể, rõ ràng để chư vị hành giả có thể thực hành một cách trọn vẹn để có cái biết tròn đầy, có hột giống Phật và trở người chăn trâu thiện xảo.

Tuệ Mãn - http://www.daophatkhatsi.vn

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn