210 345
Minh Thiện. 02:15:55 19-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1772.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ngày tu thứ 7: HT. Giác Pháp chia sẻ với các hành giả về quán ngũ uẩn

Ngày tu thứ 7: HT. Giác Pháp chia sẻ với các hành giả về quán ngũ uẩnVào ngày tu cuối của Khóa tu Truyền thống Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26, HT. Giác Pháp, Uỷ viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, Phó Trưởng ban Nghi lễ Trung ương, Chánh Thư ký Hệ phái, đã có buổi chia sẻ về vấn đề quán chiếu ngũ uẩn trong đời sống tu tập đến chư Tôn Đức hành giả.
Theo Hòa thượng, khi chúng ta quan sát lộ trình của đức Phật từ chổ thực hành để tu chứng giải thoát Niết bàn thì chủ yếu là thiền chỉ, không có thiền quán. Thiền quán chỉ là một phần trợ duyên cho thiền chỉ thôi.

Nhưng bản thân chúng tôi thì thấy rằng việc tu tập không phải tự nhiên mà đức Phật đặt ra cho chúng ta 2 cái gọi là thiền chỉ và thiền quán. Rồi cái nào quan trọng và cái nào không quan trọng, mà phải hiểu nó hỗ tương với nhau.

Nếu chúng ta không quán thì không có chỉ được cho nên vấn đề ở đây là chúng ta phải quán chiếu, chúng ta phải tư duy để nhận thức đúng. Sau khi nhận thức đúng rồi thì cái nào chúng ta cần buông thì chúng ta buông, cái nào chúng ta cần phải phát huy thì chúng ta phải phát huy. Cái này thuộc về quán, nếu mà không có quán không làm được.

Một đoạn trong bài kinh số 58, trong kinh Tạp A Hàm, Kinh Bà La Môn, đức Phật bảo muốn mà nhàm chán, muốn ly dục, muốn giải thoát, thì đa văn thánh đệ tử phải quán năm uẩn. Năm uẩn trong đó gồm có sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Hoặc quá khứ, hiện tại, vị lai. Hoặc trong, hoặc ngoài, hoặc thô, hoặc tế, hoặc tốt, hoặc xấu, hoặc xa hoặc gần. Tất cả chúng đều chẳng phải là ngã chẳng phải những gì thuộc về ngã. Ai thấy như vậy gọi là thấy đúng

Nếu chúng ta quán được như vậy chúng ta sinh ra cái tâm nhàm chán thì mới có thể gọi là ly dục, ly ác bất thiện pháp. Và chúng ta mới có thể chứng và trú thiền thứ nhứt. Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh mà chứng đắc sơ quả.

Qua các vấn đề nêu trên, Hòa thượng đưa ra vấn đề quán năm uẩn để làm rõ: Tại sao chúng ta không nói nhiều các vấn đề khác mà chúng ta lại nói Quán Năm Uẩn? Bởi vì năm uẩn là cái gốc, nó là cái cội nguồn, nó sinh tất cả các phiền não, các khổ đau, những cái hệ lụy ở trong cuộc đời này nữa, sinh ra ở chổ 5 uẩn này.

Cho nên nếu chúng ta không dành thời gian, không khéo tu tập, không có quán sát cho thấy rõ được thực chất của 5 uẩn này là gì, thì coi chừng phải làm cái việc giống như gọi là chẳng tu. Quên đi cái gốc, cái cội nguồn của nó, bởi vì chính 5 uẩn này, là cái cội nguồn sinh ra tất cả các cảnh phiền não từ thập triền, thập sử cũng từ năm uẩn này mà ra.

Nếu như chúng ta không có đào bới được gốc rễ của nó mà chúng ta chỉ lo chặt, đốn cành, nhánh thì chặt đốn bao nhiêu nó sẽ tiếp tục sinh ra nhiều chừng đó, phát triển mạnh chừng đó. Cho nên cái vấn đề ở đây, tức là chúng ta phải làm sao mà đào bới được gốc rễ của nó để nó không còn sinh ra những cái khổ đau, hệ lụy sau này.

Chúng ta thử hình dung thế này. Chúng ta vẽ con số 1, nó là bản ngã, nó là ta. Rồi bây giờ cái tịnh xá này là của ta, thêm con số không vô. Rồi mấy vị sư này là đệ tử của ta thêm 1 con số không vô, Phật tử này của ta thêm số không vô, miếng đất này của ta thêm số không vô, cái xe này của ta thêm số không vô… Và như thế thì có bao nhiêu cái của ta, mình sẽ thêm vô bấy nhiêu con số không.

Nếu một con số không là 10 hay 2 con số không là 100, 3 con số không là một ngàn, 4 con số không là mười ngàn, 5 con số không là trăm ngàn, và nếu như tới 6 con số không là 1 triệu, 9 con số không là 1 tỷ. Nếu bớt đi 1 con số không thì nó sẽ giản lại, giản giản… nhưng cho dù rằng bao nhiêu con số không đi nữa, sau đó mình không muốn biết rõ lắm… Nhưng nếu chúng ta bôi con số 1 đi, thì dãy số này không còn

Cho nên khi đào bới được gốc rễ, cái bản ngã này, nó không phải là ta, thì bao nhiêu cái của ta nó sụp đổ hết, không có.

Cho nên khi Quán Tự Tại Bồ tát đi sâu vào trong trí tuệ, soi thấu 5 uẩn là không thì có cái gì là khổ đây? Cái gì là không? cho nên toàn bộ nó không hết. Do mình chấp là có, cho nên nó mới sinh ra nhiều cái thứ phiền não khổ đau. Chứ nếu như cái này nó không phải là mình thì lấy cái gì thuộc về mình mà làm cho mình khổ. Cái quán này là cái gốc để mỗi hành giả quán trong tu tập.

Tại sao như vậy, có cái gì để mà nó làm cho mình khổ được. Cái này là cái phần tu căn bản cần để ý. Nếu như các vị đọc trong Pháp Bảo Đàn Kinh, Lúc mà Lục Tổ Huệ Năng di tới Ngũ tổ Hoàng Nhẫn ở Hoàng Mai để xin xuất gia. Rồi khi ngũ tổ muốn trao truyền y bát lại cho người kế tục. Tổ mới bảo trong đại chúng là mỗi người hãy làm 1 bài kệ để trình.

Buổi sáng ra, ngũ tổ đi qua hành lang thấy bài kệ của Thần Tú, mới dạy đại chúng là đốt nhang lễ bái và y như bài ấy mà làm. Bởi vì thân là cây bồ đề, tâm là đài gương sáng, thường thường phải lau chùi, đừng để cho bụi nó bám.

Lúc đó Ngài Huệ Năng, không biết chữ nên không đọc được, nhưng nghe trong chúng đọc bài này, và cảm thấy bài này chưa thấy tánh. Ngài nói tui cũng có bài kệ và nhờ người viết: Bồ đề bổn vô thọ, Minh cảnh diệc phi đài, Bổn lai vô nhất vật, Hà xứ nhá trần ai? (Bồ đề vốn không phải là cây, cái gương sáng cũng chẳng có đài, xưa nay không một vật, thì bụi bám chổ nào?)

Ngài Thần Tú chấp thân là cây bồ đề è chấp có thân, tâm là đài gương sáng è chấp có tâm. Tức là 5 uẩn, cái phần sắc là sắc có, cái phần thọ tưởng hành thức chấp là có luôn. Cho nên cần phải lau chùi đừng để cho bụi bám. Thành ra người ta tu.

Còn ngài Huệ Năng cho rằng: cái thân này là không, cái tâm cũng là không, xưa này không có một vật. Thât ra ngũ uẩn này là giai không, xưa này không có 1 vật thì bụi bám chổ nào? Bụi tức là phiền não, khổ đau, nó vin vào đâu mà bám, nên mới vãng sinh.

Cho nên khi mà chúng ta tư duy, chúng ta quán chiếu, để chúng ta thấy rõ được 5 uẩn này là không thì lúc bấy giờ mới có thể vượt qua được các cái khổ ách

Mỗi khi chúng ta tụng Bát nhã tâm kinh, chúng ta cứ đọc, chúng ta cứ nói rằng là, cứ nghĩ rằng là: Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát là quán, còn mình thì vô tư. Mình không làm chuyện này cho nên mình cứ khổ vậy hoài hoài. Các vị nếu không khéo, các vị tu phiền não nó dài dài ra ngoài.

Phiền não ít thì bỏ tịnh xá này đi qua tịnh xá khác ở. Nếu mà phiền não nữa bỏ luôn tăng đoàn ra ngoài mua miếng đất làm cái thất tu riêng cho nó khỏe, không có động chạm ai hết á, không có phiền não. Nhưng mà phiền não nữa là hoàn tục, tu cái gì mà phiền não quá đi. Nhưng mà phiền não nữa thôi thì kết thúc cuộc đời cho rồi, để cho nó giải thoát.

Nhưng mà hỏi các vị, mình tu hành như vậy thì tu cái gì đây, cái gốc, cái cội nguồn của nó mà đức Phật đã cho mình 1 cái bài thuốc để mình trị cái bịnh phiền não này, sao mình không có chịu uống. Bây giờ mình nhức đầu, mình cảm, bác sĩ ghi cho mình cái liều thuốc ra mua mấy viên Paracetamol về uống vô, sáng uống 1 viên, trưa uống 1 viên, chiều uống 1 viên, uống sau khi ăn.

Mình đem về nói là Paracetamol, ba viên sáng 1 viên, trưa 1 viên, chiều 1 viên, mình cứ đọc quanh như vậy mình có hết nhức đầu được không? Mình đi mua về phải uống đi chứ. Thì ở đây cũng vậy, đức Phật bảo rằng: Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm bát nhã ba la mật đa chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách. Không có 1 ngài Quán Tự Tại Bồ tát nào cả, các vị nhớ vậy.

Ở đây chỉ là một cái cách nói thôi, mỗi người chúng ta có một cái năng lực để soi thấy 5 uẩn là không? Cái đó là Quán Tự Tại chứ không phải có 1 ngài Quán Tự Tại, có nhiều người hiểu lầm Quán Tự Tại là Quán Thế Âm, không phải là Quán Thế Âm, mà là năng lực nhận thấy được 5 uẩn này là không. Cái này là Quán Tự Tại. Khi chúng ta sử dụng cái năng lực để mà nhận ra được cái 5 uẩn này là không thì lúc bấy giờ tất cả các khổ ách nó qua hết.

Khi mà chúng ta không có đọc được nhiều kinh thì chúng ta không hiểu được ý của đức Phật nói, cho nên chúng ta cứ tưởng rằng là kinh của Phật rồi tụng mình cầu xin, không phải.

Ở đây trong phẩm Bà La Môn, đức Phật bảo Bà La Môn: Này Bà la môn phàm phu ngu si không học, nên không biết như thật về sự thật khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc, vì không biết như thật nên ái là sắc, khen ngợi sắc, tâm nhiễm đắm và trụ.

Kìa đối với sắc mà ái lạc nên sinh thủ, duyên thủ nên có hữu, duyên hữu nên có sanh, duyên sanh nên có lão tử ưu bi khổ não. Đó chính là sự tập khởi của toàn bộ khối khổ lớn đối với thọ tưởng hành thức cũng là như vậy. Này bà la môn, đó gọi là có nhân, có duyên để thế gian tập khởi có nhân có duyên cho sự tập khởi của thế gian.

Tức là những người phàm phu ngu si không học, không hiểu biết, cho nên nhận lầm cái 5 uẩn này là ta, mà không biết rằng trong này nó có 5 cái tập hợp lại đó là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Tức thì sắc nó gồm có sự tập khởi của sắc, sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, sự tai hại của sắc, sự xuất ly sắc; thọ, tưởng, hành, thức cũng y như vậy.

Cái này là cái các vị phải quán chiếu, phải thấy rõ. Chỉ cần chúng ta dùng trí phàm phu, chúng ta phân tích, chúng ta chia chẽ để thấy rõ cái tập khởi của sắc, cái sự diệt tận của sắc, vị ngọt của sắc, tai hại của sắc để chúng ta xuất ly sắc. Và thọ, tưởng, hành, thức cũng y như vậy.

Nếu như chúng ta không làm được điều này, đức Phật nói rằng: Kìa đối với sắc mà ái lạc cho nên sanh ra thủ… Cái phần vật chất sanh ra mình, con người mình nếu người nào mà mình gọi là thương mình, mình lo cho mình. Thì lập tức đức Phật nói rằng sẽ sinh ra thủ, khi ai mà làm sắc, khen ngợi sắc, thì tâm nhiễm đắm và trụ.

Đối với sắc mà sanh thủ rồi duyên thủ cho nên có hữu, duyên hữu cho nên có sanh, duyên sanh cho nên có lão, tử, ưu, bi, sầu, khổ não. Toàn bộ khối này tức là thập nhị nhân duyên nó sinh ra. Cho nên khi mà chúng ta quán chiếu để chúng ta thấy rõ được, chúng ta phá vỡ được cái này rồi, thì toàn bộ cái khổ lớn này nó phá hoại được hết.

Khi chúng ta tu tập 12 nhân duyên thì chúng ta thấy rằng từ vô minh, cho tới hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Nếu như chúng ta cứ lằng quằng suy nghĩ trong cái này, thì hoàn toàn không ra được.

Vì nó là cái dây xích, nó nối liền với nhau, nhưng mà tới cái chổ mà ái, thủ, hữu thì ngay cái điểm cái móc ái này, đức Phật nói rằng duyên nơi cái sắc mà sinh ra ái lạc mới sinh ra thủ. Nhưng mà nếu như chúng ta đã thấy rõ cái sắc này nó không thật là mình. Nó không thật, tập khởi của nó, nó có sự hoại diệt của nó, nó có cái vị ngọt của nó, có cái tai hại của nó.

Khi chúng ta quán chiếu, thấy rõ được cái này rồi thì sẻ không có cái ái lạc. Không có ái lạc thì sẽ không có thủ cho nên không có hữu, không có hữu cho nên không có sanh, không có lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não. Một khối khổ lớn này chúng ta phá được hết.  Mà chính vì cái chỗ chúng ta tư duy, quán chiếu, tức là cái pháp này tu quán đầu tiên thì lúc bấy giờ ly dục, mới có thể ly ác bất thiện pháp, làm cho chứng và trú được.

Việc tu chứng quả Tu đà hoàn, thật ra không khó, bởi vì từ cái chổ mà chúng ta làm chắc 5 uẩn này cho nên sinh ra thập triền thập sử. Thập triền là mười cái dây nó cột mình lại, đó là: tham, sân, si, mạn, nghi… tà kiến. Thập sử cũng là 10 cái này nhưng mà công dụng của nó là nó sai khiến. Muốn chứng được sơ quả tu đà hoàn các vị chỉ cần đoạn được 3 hạ phần kiết sử thì chứng được sơ quả tu đà hoàn.

Nhưng Tổ sư Minh Đăng Quang nói muốn làm khất sĩ trong Chơn lý Khất sĩ: Làm khất sĩ thanh văn thôi là phải không mê lầm bổn ngã. Mê lầm bổn ngã là nhận lầm ngũ uẩn này là ta, Khi chúng ta không còn nhận lầm cũng là ta, lúc đó tổ nói rằng không còn mê lầm bổn ngã.

Vì không có như vậy thì sẽ không nghi não, tức là không nghi ngờ con đường mình tu nữa. Và mình cũng không dính vào chuyện ham mô cúng kiếng, mà đi cầu đi xin nữa. Không tham dục, không tham sắc, không tham vô sắc…

Ở đây chúng ta phải hiểu cho đúng là khi tu tập không mong cầu sinh lên các cõi trời duc giỡi, gọi là không tham dục; không mong cầu sinh lên cõi trời sắc giới và cũng không mong cầu sinh lên cõi trời vô sắc giới. Tức là không ham đắm sinh lên các cõi trời này. Là mình ra khỏi 3 cõi: dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Như vậy làm khất sĩ thanh văn đã là chứng quả tu đà hoàn chưa?

Cái vấn đề được đặt ra là để làm sao cho chúng ta phá được cái chấp ngã này, lâu nay chúng ta không tìm hiểu, không tư duy, không quán chiếu mà chúng ta cứ nói là năm uẩn này là không, thực ra các vị có nói bao nhiêu lần 5 uẩn là không thì cũng như vậy thôi, khi chúng ta quán vô thường.

Chúng ta phải quán vô thường, khổ, vô ngã… các vị cố gắng quán, quán qua cở nào rồi thì lúc khi nào gặp một sự cố xảy ra. VD khi gặp 1 người nào đó, có người thân bị mất đi. Họ phiền não, khổ đau quá khóc lóc, than vãn. Mình khuyên: cô hiểu đạo, biết cuộc đời vô thường thì đừng buồn nữa, con người ai cũng phải chết. Khuyên người ta đừng có buồn.

Người ta thì mình khuyên, còn đến phiên mình thì sao, đừng có nói tổn thất to lớn, ngay như mất cái điện thoại di động thôi là đã điên đảo rồi.



Mất điện thoại cùi bắp còn đỡ, chứ mất cái iphone x thì khổ hơn nữa. Chưa nói tới cái phiền não to lớn khác còn có những tỗn thất về tinh thần thì sao? Mình có khổ không? Mình khuyên người ta thì được, còn mình cứ khổ dài dài như vậy hoài.

Cho nên nếu như chúng ta không tư duy, không quán chiếu để thấy rõ được cái này là không thật thì chúng ta bị bám vô trong đây, thì bao nhiêu cái nỗi khổ, niềm đau nó cứ rơi vào chúng ta không chịu nổi, chúng ta bỏ tu. Bỏ tu thì còn đỡ, chứ có người bỏ cái 5 uẩn này đi.

Nhưng mà cái 5 uẩn này nó không dính líu gì mình hết bởi vì khi chúng ta dùng năng lực quán chiếu để thấy rõ 5 uẩn này không phải là mình thì mọi thứ nó không dính líu gì chuyện khổ hết, không đau khổ nữa.

Còn nếu như chúng ta cứ đọc kinh, chúng ta cứ cho rằng là đời là khổ hay là đời vô thường hay cái này không phải là ta, không phải của ta, chỉ nó không, không tư duy, không quán chiếu, không thấy rõ về điều này, nhất là chúng ta sẽ phải khổ dài dài mà thôi

Năm uẩn này nó quả thật không phải là mình, mà cũng không phải của mình, cũng không khác mình nữa. Qua đó chúng ta quán chiếu khi tu tập để yên tâm con đường chúng ta đi là đi đúng không sai, không cần con đường nào khác đi để giải thoát sự khổ đau trong cuộc đời này đâu.

Giải thoát sự khổ đau trong cuộc đời này chính là bản thân của mình, mình tự giải thoát chứ không phải người khác giúp. Không phải cầu xin ai khác cả

Từ những điều trên, Hòa thượng nhấn mạnh: Quán 5 uẩn, khi chúng ta tư duy, chúng ta quán chiếu 5 uẩn để thấy rõ được 5 uẩn này, vốn dĩ vô thường, khổ, không, phi ngã. Lúc đó chúng ta dứt sạch được tham ái, hỷ tham để tâm được giải thoát.

Nói quán thì các vị đừng có dụng công làm cái gì ghê gớm lắm. Nên nhiều khi các vị đến giờ ngồi thiền sợ lên đó hạ thủ công phú, làm cái gì ghê gớm. Thực ra, nếu các vị biết cách thì ngồi thiền cũng như ngồi chơi thôi chứ có làm gì đâu. Các vị thử hình dung đi giờ ngồi thiền cũng như lên đó ngồi chơi thôi chứ không làm gì cả.

Thay vì các vị ngồi nghĩ trời, nghĩ đất, rồi nghĩ chuyện xưa chuyện nay, nghĩ chuyện mình chuyên người, tùm lum khiến cho cái tâm nó phóng đi, nó nghĩ đủ thứ. Thì bây giờ các vị tập trung để tư duy, để quán chiếu, để thấy rõ 5 uẩn này nó như thế nào. Lúc bấy giờ các vị có thể tự trong đó, có thể đoạn hết tất cả cái tâm duyên lự, cái tâm tập khởi, chứ không phải lạm dụng cái gì ghê gớm lắm đâu. Cứ ngồi suy nghĩ

Trong buổi chia sẻ, Hòa thượng đã đưa ra những ví dụ minh chứng như các bài kinh trong Tạp A Hàm về vấn đề năm uấn. Hay câu chuyện ngài Lục tổ Huệ Năng cũng đã thấy pháp dù chỉ khi mới là cư sĩ. Ngay như đức Tổ sư Minh Đăng Quang của Hệ phái Khất sĩ cũng ngộ đạo tại bãi biển Mũi Nai khi chưa thọ giới Tỳ kheo.

Hay Hòa thượng cũng đưa kinh Bát Đại Niết Bàn để thấy được cái quan trọng của việc quán chiếu ngũ uẩn. Ngoài ra Ngài cũng lấy nội dung từ những bài kinh như Bát Nhã, Đại Bát Niết Bàn… cho đến những vấn đề đã diễn ra trong lịch sử. Hòa thượng đã dẫn dắt đại chúng hướng đến phương pháp để quán sát để thấy rõ 5 uẩn này nó là vô thường, là khổ, là không, là khinh ngã.

Đây thật là những kinh nghiệm quan trọng cho các hành giả trên bước đường tu tập khi ở trong khóa tu nói riêng và trong con đường tìm cầu giải thoát nói chung.

Ngọc Phúc - Đạo Phật Khất Sĩ

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn