410 912
Minh Đức. 12:18:23 13-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1891.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ngày tu thứ 2: Hòa thượng Trưởng ban chia sẻ cùng hành giả khóa tu

Ngày tu thứ 2: Hòa thượng Trưởng ban chia sẻ cùng hành giả khóa tuNgày 13/10/2018 (nhằm ngày 5/9 năm Mậu Tuất), hơn 150 hành giả Khóa tu đã được nghe pháp âm chia sẻ của HT. Giác Toàn - Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; Trưởng ban Khóa tu Truyền thống lần thứ 26 về chủ đề: “Tu tập thiền định soi sáng nhơn và quả của mười hai nhơn duyên, ngũ uẩn và lục căn”.

Hòa thượng cho biết: Vấn đề tu tập thiền định là vấn đề tuy thường được đưa ra, nhưng mỗi lần chia sẻ luôn có vấn đề mới, tùy theo khía cạnh mà mỗi cá nhân tu tập cảm nhận, nắm bắt và chiêm nghiệm. Cũng giống như một gia đình làm nghề mộc thì khi cha mất, người con sẽ tiếp tục làm nghề này. Hay những gia đình làm nghề nông, nghề điêu khắc… cũng như vậy. Đối với người xuất gia thì chư Phật hay các Tổ, Thầy đều nương vào kinh, luật, luận mà chứng ngộ và hành đạo. Những thế hệ kế tiếp xuất gia sau này cũng phải như vậy. Dù xã hội có thay đổi, đời sống đã có những biến chuyển trong thời kỳ công nghệ 4.0… giúp cho con người trong mọi mặt.

Người xuất gia ngày nay, ai cũng có thể chọn cho mình một pháp môn tu hay là cách hành trì nào đó cho phù hợp. Tuy nhiên, dù ở thời kỳ nào thì người xuất gia vẫn phải theo cái gốc chung mà chư Phật, Tổ thầy đã hành trì về giới, định, tuệ trên bước đường tìm cầu sự giải thoát.

Mỗi người khi đọc 1 bản kinh sách thì cần phải tự hỏi chọn pháp nào, có gắn với truyền thống của chư Phật, Tổ thầy đã xác định và hành trì hay không? Từ đó tìm tòi và phát triển ra từ những truyền thống tinh hoa đã có.

Ngay đối với Hệ phái Khất sĩ, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang đã để lại bộ Chơn lý rất giá trị, mỗi vị khất sĩ cần phải tìm tòi tìm hiểu cái cốt tinh trong đó để chiêm nghiệm thấu rõ.

Từ đó, chúng ta có thể thông qua các tập trong bộ Chơn lý, làm rõ vấn đề được nêu ra:

+ Xét về sự tu tập thiền định soi sáng nhơn và quả của mười hai nhơn duyên, Hòa thượng Trưởng ban cho rằng: Đức Tổ sư đã kết tinh cô đọng lại rất sâu sắc: Tổ sư đã phân chia 12 nhơn duyên bằng bốn dòng định nghĩa ngắn gọn, đó là:

Vô minh + Hành: là nhơn quá khứ

Thức + danh sắc + Lục nhập: là quả hiện tại

Xúc + Thọ + Ái + Thủ + Hữu: là nhơn hiện tại

Sanh + Tử: là quả vị lai

Từ những định nghĩa đó, xếp vào giáo lý Nhơn quả ba đời có thể thấy rõ theo chiều thuận và chiều nghịch, gồm hai tác nhân, hai kết quả liên hệ chặt chẽ với nhau mà chúng ta có thể nhận biết được: nhơn quá khứ, quả hiện tại; nhơn hiện tại, quả vị lai.

Chơn lý do đức Tổ sư đã diễn giải tiến trình nhân quả của một chúng sanh từ Vô minh đến Tử, nối kết nhân quả nhiều đời nhiều kiếp từ kiếp quá khứ đến hiện tại và tương lai. Vòng sanh tử luân hồi, khổ đau sẽ còn tiếp diễn mãi với những ai còn vô minh và tham ái. Sự hiện diện, vận hành của 12 chi phần này là cái nguyên nhân, đồng thời là kết quả của nhau, mang đầy đủ những đặc tính của nhau, gọi chung là khổ mà chúng sanh đã và đang gánh chịu. Một chi phần là khổ, 12 chi phần là khổ và một chi phần tức 12 chi phần.

¬ Còn về sự tu tập thiền định soi sáng nhơn và quả của ngũ uẩn và lục căn: Hòa thượng nhấn mạnh: “Mỗi hành giả tu tập thiền định cần nên so sánh tự thân của chính mình.”

- Theo Hòa thượng, trong chơn lý “ngũ uẩn”, đức Tổ sư đã phân loại ba hạng bậc của thân, đó là thân hình đen, thân hình trắng và thân Trong sạch. Tổ sư phân định Ngũ uẩn nơi mỗi người theo một trình tự, thứ lớp, gồm 3 cấp bậc từ thấp đến cao: ác, thiện, trong sạch. Hằng ngày mỗi hành giả tu thiền cần nên soi sáng, nhìn nhận chính bản thân mình đang ở cấp độ nào, từ đó nỗ lực tu tập gạn lọc, loại bỏ dần và vượt qua thân hình đen (địa ngục) nơi sắc thân Ngũ uẩn này để tiến đến thân hình trắng (Thiên đường) và thân hình trong sạch (an tịnh Niết bàn).

Từ đó Hòa thượng cho rằng, người tu tập cần soi sáng, gạn lọc thật sạch nghiệp quả xấu quấy ác nơi tự thân; Soi sáng, tu tập, tích góp sự thiện nơi tự thân; Soi sáng, trưởng dưỡng nuôi lớn sự trong sạch nơi tự thân. Hòa thượng cũng nhấn mạnh, đức Tổ sư chỉ rõ: “con đường đạt đên sự trong sạch là xuất gia giải thoát”.

+ Còn trong chơn lý “Lục căn”, Tổ sư phân định, soi sáng nghiệp quả của sáu căn và phương pháp tu tập chấm dứt nghiệp quả khổ của sáu căn.

Về vấn đề này, Hòa thượng cho rằng: “Ở đoạn chơn lý này chỉ rõ nơi loài người có đủ 72 giới từ Địa ngục – Thiền đường; Cõi ma – Cõi Phật. Qua đó cho chúng ta thấy rõ cảnh giới của tâm nơi mỗi người luôn có đủ 72 cảnh giới, chúng luôn thay đổi không ngừng, với muôn hình vạn trạng hiểu hiện ra bên ngoài.

Tu tập, thiền quán, hộ trì sáu căn nơi tự thân để an tịnh, lắng dịu và nhiếp phục dần “sáu ác căn, sáu ma căn” không phan duyên theo “ sáu ác trần, sáu ma trần”, thì mới không sanh “sáu ác thức, sáu ma thức”. Lúc đó, thân tâm chúng ta sẽ đạt được sáu thiện căn, sáu thiện trần, sáu thiện thức”.

Từ đó Hòa thượng nhấn mạnh “Người khéo tu tập thì lúc nào cũng tỉnh giác, luôn giữ gìn, hộ trì sáu căn cho thuần thục, không còn vọng động, mê nhiễm… pháp trần thì nội tâm sẽ chứng nghiệm sự yên lặng, chơn như, tịnh định… gọi là mười tám cõi Phật “Phật căn, Phật trần, Phật thức”. Đây là con đường tiến hóa siêu vượt đến cảnh giới Trời, Phật, hết mê lầm chấp trật khổ đau…

Với những lời giảng dễ hiểu, kèm những ví dụ sinh động, Hòa thượng đã khiến các hành giả có thêm những kiến thức trong vấn đề hành trì giáo pháp mà đức Phật đã chỉ dạy, Tổ sư đã giảng giải.

Tuy nhiên, vì thời gian không cho phép, nên Hòa thượng mong rằng các hành giả trong khóa tu, sau khi nghe giảng, cần nỗ lực suy ngẫm trong các giờ hành thiền, tu tập trong những thời gian rãnh. Chắc chắn những vị nào có sự kiên trì tu tập, chịu khó hành thiền, suy ngẫm… quả vị sơ quả dự lưu sẽ không khó mà có được.

Trích lược lời giảng của Hòa thượng Trưởng ban Tổ chức

Ngọc Phúc - Đạo Phật Khất Sĩ

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn