310 784
Minh Thiện. 01:35:24 19-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1816.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ngày tu thứ 4: Hòa thượng Hóa chủ Khóa tu chia sẻ Chơn lý 57

Ngày tu thứ 4: Hòa thượng Hóa chủ Khóa tu chia sẻ Chơn lý 57Ngày 15/10/2018 (nhằm ngày 7/9 năm Mậu Tuất) HT. Giác Thành, Giáo phẩm Hệ phái, Tri sự Phó Giáo đoàn III, Trụ trì Tịnh xá Ngọc Yên, kiêm Hóa chủ Khóa tu đã chia sẻ với chư tôn đức hành giả khóa tu về Chơn lý thứ 57 (Pháp Chánh Giác).

Đến với đại chúng tại khóa tu, vào buổi sáng Hòa thượng tuyên đọc chơn lý 57 (Pháp Chánh Giác) của Tổ sư. Hòa thượng cho biết: Trước đây có nhân duyên xuống thăm đức Nhị Tổ Giác Chánh ở dưới miền Tây. Hòa thượng đã cùng Chư huynh đệ được đức Nhị tổ hướng dẫn và hành trì theo thời khóa tu học và những phần căn bản của các pháp tu tập.

Theo đó, mỗi buổi sáng chư tăng đi khất thực theo truyền thống, trưa về thọ trai, chiều đức Nhị tổ giảng về Chơn Lý của Tổ sư. Đức Nhị tổ giảng bằng cách trùng tuyên đọc nguyên văn những lời của Tổ sư được ghi lại trong cuốn chơn lý. Mỗi ngày đức Nhị tổ đọc 1 bài.

Hòa thượng cũng cho biết: “Ngày hôm nay là một trong 7 ngày của Khóa tu Giới Định Tuệ, nên chúng ta sẽ chọn lấy những bài học căn bản nhất, giáo lý truyền thống của Hệ phái mà mấy ngày qua quý hòa thượng đã giảng.

Ngoài ra, trong giáo pháp khất sĩ chúng ta phải lấy chơn lý của Tổ sư làm đầu. Muốn nắm chơn lý của Tổ không gì hơn là phải thường xuyên trùng tuyên lại những điều mà Tổ đã chứng nghiệm. Từ những giáo lý đó mà mỗi vị Khất sĩ khắc sâu trong tâm khảm để mà tu tập. Vì thế hôm nay tôi chọn bài chơn lý thứ 57 (Pháp Chánh Giác) để trùng tuyên lại.

Bước sang buổi chiều, Hòa thượng và Chư Tôn đức đã có thời pháp đàm chia sẻ với nhau về các quả vị tu chứng, đưa ra những quan điểm về đường lối tu học của đức Tổ sư Minh Đăng Quang về đạo Phật Khất sĩ Việt Nam nối truyền Thích ca chánh pháp.

Trong buổi pháp đàm, Hòa thượng đã giới thiệu về lịch sử và giáo lý mà đức Phật để lại. Từ đó Ngài chia sẻ về sự phân chia các bộ phái của Phật giáo và quan điểm lập giáo của mỗi tông. Riêng đối với Hệ phái Khất sĩ, là tông phái do Tổ sư Minh Đăng Quang lập giáo từ năm 1946, sau 9 năm hành đạo, Tổ sư vắng bóng đã để lại 1 kho tàng quý giá là Bộ Chơn lý đại đồng.

Về bộ Chơn lý Pháp Chánh Giác, Hòa thượng đã chia sẻ về nguồn gốc cũng như quan điểm của Tổ sư đối với các thánh quả mà người tu tập có thể chứng ngộ. Về phía kinh điển Nikaza chỉ đề cập đến và giải thích những quả vị, lần lượt để tu chứng tứ quả thanh văn. Vì thế trong giáo lý Bắc tông người ta cho rằng cái quan điểm về tứ quả thanh văn không phải là cao, họ cho là tiểu thừa.

Riêng đối với quan điểm mà Tổ sư Minh Đăng Quang nêu trong chơn lý thì nếu người tu tập thực tập đúng cách mà Tổ chỉ dạy thì không chỉ chứng từ sơ quả, lên nhị quả, lên tam quả đến tứ quả mà còn có thể lần lượt đạt các quả khác như Bích chi Phật, Bồ tát, cho đến đức Như Lai. Qua đó cho thấy quan điểm của Tổ rất tích cực. Ngài cũng mong muốn đốn ngộ để thấy rằng cái sự tu tập đến quả vị Phật trong 1 đời 1 kiếp mà thôi. Nếu nổ lực tu tập thì có thể thành tựu quả Phật, giác ngộ trọn vẹn…

Ngoài ra Hòa thượng cũng chỉ rõ quan điểm về pháp môn tu của Hệ phái, về phương pháp hành trì có thể đạt thánh quả mà Tổ sư đã chỉ dạy… Qua đó khẳng định nếu ai chịu khó tu tập, nỗ lực hành trì thì vẫn có thể chứng thánh quả, chứ không phải chỉ biết niệm Phật rồi chờ qua Tây phương Tịnh độ rồi tu tiếp.

Quan điểm lập giáo của Tổ sư là một khẳng định cụ thể cho nên là 1 giáo lý thượng thừa chớ không phải chỉ là đại thừa hay các tông phái khác phải chờ đợi. Ngoài ra Hòa thượng cũng nhấn mạng, quan điểm của đức Tổ sư đã chỉ rõ: một người tu tập muốn chứng ngộ thì mình phải tự làm cho mình chớ không phải ai làm cho mình.

Tại buổi pháp đàm, Hòa thượng Hóa chủ và chư Tôn đức hành giả đã có những chia sẻ rất quý báu và quan trọng. Đây là những kiến thức rất hữu ích cho các vị Khất sĩ trên con đường tìm cầu sự giải thoát.



Ngọc Phúc - Đạo Phật Khất Sĩ
 
Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn