910 570
Minh Thiện. 12:27:37 18-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1856.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Ngày tu thứ 3: Hòa thượng Thiền chủ chia sẻ kinh nghiệm tu học

Ngày tu thứ 3: Hòa thượng Thiền chủ chia sẻ kinh nghiệm tu họcNgày 14/10/2018 (nhằm ngày 6/9 năm Mậu Tuất) HT. Giác Giới, Phó Thư ký HĐCM GHPGVN, Giáo phẩm chứng minh Hệ phái – Thiền chủ khóa tu, chia sẻ về các bài pháp liên quan đến kinh nghiệm tu tập cùng chư Tôn đức hành giả tham gia khóa tu Truyền thống Hệ phái Khất sĩ lần thứ 26.

Hòa thượng nhắc đến mục đích của đức Thế Tôn khi công bố giáo pháp. Trong đó, Hòa thượng cho rằng đức Thế Tôn đã khẳng định xuyên suốt thời gian mà Ngài đi công bố giáo pháp thì chỉ có 2 điều: “Ta không nói gì khác hơn ngoài hai điều là Ngài chỉ nói khổ và đoạn tận khổ”.  Do đó chúng ta không phải học để thỏa mãn kiến thức hay học để có cái gì đó đặc biệt hơn người, mà cái học cái tu của chúng ta phải hướng đến cái mục tiêu mà đức Phật đã chỉ dạy. Đoạn tận khổ cho mình, đoạn tận khổ cho người.

Thông qua vấn đề trên, Hòa thượng cho biết dù chỉ 2 điều trên, nhưng cái cốt yếu đó là đức Phật khi giảng pháp cho ai, thì Ngài đều dựa trên niềm tin của người đó đối với mình có vững chắc hay không. Giống như câu chuyện anh em Kiều Trần Như cùng tu khổ hạnh với đức Phật, sau này khi gặp lại vì có niềm tin với đức Phật nên đã đắc quả A La Hán khi Ngài chuyển pháp luân đầu tiên tại vườn Nai.
Bên cạnh đó, Hòa thượng cũng nhìn nhận: Cái chân lý của đức Phật chứng ngộ được truyền bá, trải dài xuyên suốt đến bây giờ mấy ngàn năm. Các đệ tử sau này, mỗi người mỗi cách hiểu, trải qua thời gian dài nên bị xen tạp bởi rất nhiều cái dị thuyết làm cho hàng hậu học sau này người ta hoang mang. Một giáo lý thâm sâu vi diệu khó thấy khó chứng, chứ không phải dễ chứng.
Với lời kể ngắn gọn khúc chiết về quá trình tu tập, thành đạo, hoằng pháp của đức Thế Tôn, và thông qua các kinh như Sở Y Xứ, các phẩm Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang, Hòa thượng cũng đưa ra nhiều pháp quan trọng đối với những người đang tu tập.
Đối với vấn đề khổ (với 3 quan niệm), nguyên nhân của khổ,… Hòa thượng cũng làm rõ cho đại chúng hiểu khổ có phải do nghiệp quá khứ hay không? hay có quan niệm nguyên nhân của khổ do đấng tạo hóa tạo ra? hay là khổ không có nhân duyên gì hết...
Từ đó, Hòa thượng chỉ rõ, theo quan điểm của Phật giáo nếu quan niệm như vậy thì không bao giờ con người khởi lên cái ước muốn để tu tập gì hết. Vì tu tập không được gì hết, nghiệp quá khứ nó được quyết định rồi. Một chúa trời quyết định rồi, còn cái này ngẫu nhiên cho nên nó không có nhân duyên gì hết. Thành ra người sẽ không khởi lên cái ước muốn để tu tập loại khổ được, con người sẽ không bao giờ dứt khổ. Còn đức Phật ngài chủ trương, khổ liên quan đến 18 pháp cẩn thận: tức là 6 căn, 6 trần, 6 thức rồi đưa đến Tứ đế. Tứ đế thì khổ do ái, ái diệt thì khổ diệt.
Hòa thượng cho rằng: Làm bằng ai biết nhân xưa, khá xem hoàn cảnh bây giờ chịu đây, muốn biết quả báo sau này, nhắm điều tuệ phước sanh ra an lành. Nên khổ của mình do nghiệp quá khứ cũng đúng?! Nhưng phải hiểu như thế nào mới đúng. Nếu nói do nghiệp quá khứ thì phải suy nghĩ thế này cái quả do nghiệp quá khứ quyết định rồi, bây giờ mình tu làm chi? Quả quyết định rồi.

Về phía quan điểm của đạo Phật: tu là chuyển nghiệp (theo lời của HT. Thanh Từ). Hai điều này, nó khác nhau: quả của khổ ở đây có nghĩa tu sẽ chuyển nghiệp, chứ không phải là tất cả đều do nghiệp quá khứ mà phải gánh cái quả đó mãi mãi.
Cho nên có những việc chúng ta đang làm, hiện hữu bây giờ tất cả những cái khổ của mình phát xuất từ 6 căn, trần hay thức. Nếu 6 căn dầu có nghiệp quá khứ thì với 6 căn trần hay thức thanh tịnh thì cái nghiệp quá khứ nó không chi phối được. Do đó cho nên khổ nó dựa trên 6 căn, 6 trần và 6 thức và 18 ý cẩn thận.
Hoặc nói theo tứ đế là nó khổ do duyên ái, đương nhiên 12 nhân duyên nhưng mà ái là cái gốc khổ. Hòa thượng cũng phân tích rõ vì sao ái là cái gốc của khổ mà không phải là do vô minh làm gốc, qua những trích xuất từ kinh tạng, Hòa thượng đã đưa ra phân tích khiến đại chúng nắm rõ.
Qua phần tiếp theo, Hòa thượng cũng nói rõ về pháp môn tu tập giới định tuệ và cách thực hành pháp môn này sao cho hiệu quả. Theo Ngài đây là pháp môn bao trùm lên tất cả các pháp môn khác. Một pháp môn mà vị Khất sĩ cần nắm rõ trên con đường tu tập tìm sự giải thoát.
Kế đến, Hòa thượng cũng đưa ra đối tượng mà đức Thế Tôn đã hóa độ. Hòa thượng cũng nhận mạnh ý ai ai cũng có thể thành Phật. Đây chính là điều đức Phật đã từng nói: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.
Cuối cùng, Hòa thượng chia sẻ các vấn đề liên quan đến Phật giáo phát triển. Về việc Phật giáo Đại thừa cho rằng đến quả A La Hán chưa có phải là rốt ráo. Người ta coi đó chỉ mới là hóa thành thôi. A La Hán vẫn phải học và tu tiếp cho đến khi thành Phật.
Hòa thượng đã cùng đại chúng phân tích sâu hơn đối với các vấn đề… về pháp môn tu học, về thực hành giới định tuệ, nắm vững Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên để áp dụng trong đời sống tu tập của mỗi vị tại trú xứ, hay đối với xã hội đang phát triển như hiện nay.

Qua buổi chia sẻ, đại chúng có thêm nhiều kiến thức trên bước đường thực hành giới định tuệ, để tấn tu trên con đường đạo nghiệp nói chung và trong những ngày tu tập ở khóa tu lần thứ 26 này nói riêng.

Ngọc Phúc - Đạo Phật Khất Sĩ

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn