210 180
Admin. 21:38:17 03-04-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 2528.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Tiểu sử Trưởng lão Giác Phúc (1924 - 2001)

Tiểu sử Trưởng lão Giác Phúc (1924 - 2001)Trưởng lão Giác Phúc thế danh là Trần Viết Trấp, sinh ngày 28 tháng 0l năm 1924, tại Thôn Phụng Sơn, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Thân phụ là cụ ông Trần Viết Lý, thân mẫu là cụ bà Hồ Thị Man. Hai ông bà đều dòng dõi nho phong đạo đức. Trưởng lão là con út trong gia đình có 7 anh chị em. Sau khi học xong bậc tiểu học tại quê nhà, Ngài lên Quy Nhơn học trường Cường Để và đậu bằng Thành Chung năm 1944. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm, Ngài theo nghề dạy học suốt 15 năm, từ 1946 đến 1960.

Mùa thu năm 1959 đoàn Du Tăng Khất Sĩ do Đức Thầy Giác An hướng dẫn du hoá đến Gành Ráng, Quy Nhơn. Sau khi nghe Đức Thầy thuyết pháp Ngài được khai thông nẻo đạo, xin được quy y Tam Bảo và được Đức Thầy ban cho pháp danh là Thiện Tánh.

Theo gương của cư sĩ Cấp Cô Độc trong thời Phật còn tại thế, được sự chứng minh của Đức Thầy, Ngài cùng huynh trưởng là cố Trưởng lão Giác Phải và người cháu ruột là cư sĩ Thiện Minh đứng ra xây dựng Tịnh Xá Ngọc Sơn để cúng dường cho Đoàn Du Tăng Khất Sĩ làm nơi lưu trú và hoằng truyền Phật Pháp, cũng là nơi nương tựa tu tập của thiện nam tín nữ tại quê nhà. Kẻ công người của chung sức chung lòng, sau hai năm thi công xây dựng Tịnh Xá Ngọc Sơn đã hoàn tất. Lễ Khánh Thành và An Vị Phật được tổ chức trang nghiêm, long trọng vào ngày 23 tháng Giêng năm 1963 dưới sự chứng minh của Đức Thầy và Giáo hội Tăng già Khất Sĩ thời bấy giờ. Đức Phật thường dạy hàng đệ tử hãy du hành vì an lạc, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Tổ sư khai sơn thì dạy: “Tài trí khó xuất gia, đức hạnh dễ đắc quả. Tài trí chẳng bền dai, đức hạnh được sống mãi.” Trong thời gian tu hành cư sĩ tại gia, Ngài đã siêng năng tinh tấn tu học, hết lòng hộ trì ngôi nhà Tam Bảo và học hỏi giáo lý nơi Đức Thầy. Đạo tâm của Ngài càng ngày càng tăng trưởng cho đến một hôm, ý nguyện tầm cầu đạo vô thượng khởi phát.

Vào ngày 23 tháng Giêng năm 1963, Ngài xin được xuất gia theo Giáo đoàn III và được Đức Thầy Giác An Bổn sư thế độ. Đến ngày Rằm tháng 7 năm Giáp Thìn (1964) Ngài được Đức Thầy truyền giới Sa-di với pháp danh là Giác Phúc. Nương theo Giáo hội tu học, vào ngày Rằm tháng Bảy năm 1968, Ngài được Giáo hội Tăng già Khất Sĩ truyền giới Cụ túc trở thành vị Tỳ-kheo Khất Sĩ du phương hành đạo. Con đường Du tăng hành đạo của Ngài còn lưu lại nơi các miền Tịnh Xá như sau:

• Tháng 07 năm 1968: trụ xứ Tịnh Xá Ngọc Phúc

• Tháng 02 năm 1969: trụ xứ Tịnh Xá Ngọc Đà

• Tháng 07 năm 1969: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Bảo

• Tháng 02 năm 1970: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Duyên

• Tháng 07 năm 1970: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Phước

• Tháng 02 năm 197 l: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Hải

• Tháng 07 năm 197 l: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Trung

• Tháng 02 năm 1972: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Túc

• Tháng 07 năm 1972: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Quang

• Tháng 07 năm 1973: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Long

• Tháng 07 năm 1974: trụ trì Tịnh Xá Ngọc Phúc

Qua những tháng năm tu học tinh cần mẫu mực, hết lòng hoằng truyền Phật Pháp phổ độ chúng sinh, góp phần tích cực vào việc xây dựng ngôi nhà Tam Bảo, vào tháng Bảy năm 1980 Ngài được Giáo hội Tăng già Khất Sĩ đặc cách tôn phong lên hàng Thượng toạ.

Khi còn là cư sĩ Ngài đã hết lòng phụng thờ Tam Bảo, lập công bồi đức. Khi đã xuất gia nhập đạo Trưởng lão nghiêm trì giới luật, sống đời giải thoát theo hạnh y bát Khất Sĩ, du phương hành đạo, đồng thời hoàn thành tốt đẹp những trọng trách được giao phó như sau:

- Từ năm 1969 đến năm 1980 là thành viên của Hội Đồng Tỷ-kheo của Giáo Đoàn.

- Từ năm 1980 đến năm 1992 được suy cử làm Phó Giáo Đoàn.

- Tháng 07 năm 1992 sau Lễ Vu-lan-bồn và Tự Tứ Tăng, hệ Phái khất Sĩ suy cử Ngài giữ chức vụ Trưởng Giáo Đoàn của Giáo Đoàn III và Ngài được cung thỉnh về Tổ đình Nam Trung tại Tịnh xá Ngọc Tòng, Nha Trang để lãnh đạo và điều hành Phật sự.

- Từ tháng 07 năm 1992 đến rằm tháng 07 năm 2000, Ngài làm bổn sư tiếp độ của hàng trăm giới tử tân học xuất gia.

- Từ tháng 02 năm l998, niên cao lạp trưởng, xác thân tứ đại mỏi mòn, Ngài trở về Tịnh Xá Ngọc Phúc an dưỡng.

- Đến ngày Rằm tháng 07 năm 1999, tại Tịnh Xá Ngọc Rạng, Sông Cầu, Phú Yên, môn đồ tứ chúng thuộc Giáo Đoàn III, Hệ Khất Sĩ đã tôn kính Ngài vào hàng Trưởng Lão.

Trong thời gian lãnh đạo Giáo Đoàn, Ngài đã thân hành chứng minh và chỉ đạo xây dựng nhiều tịnh xá, tịnh thất cho Tăng Ni Phật tử có nơi nương tựa tu hành. Suốt 40 năm sống trong Giáo hội Tăng-già và Giáo đoàn Du Tăng Khất Sĩ hiện nay là Hệ phái Khất Sĩ, thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Ngài đã trụ xứ và trụ trì hơn 20 ngôi Tịnh Xá, từ những ngôi tịnh xá, đạo tràng trên vùng cao nguyên xa xôi đến những ngôi tịnh xá, đạo tràng dưới đồng bằng duyên hải. Với đạo hạnh trang nghiêm và tấm lòng từ ái, Ngài đi đến nơi đâu thì Tăng Ni tín đồ nơi đó đều cảm thấy ấm áp đạo tình, an vui và tinh tấn trong chánh pháp. Như trong kinh Pháp Cú có câu:

“Khó gặp bậc hiền nhân

Không phải đâu cũng có

Nơi nào bậc trí sanh

Nơi đó tất an lạc.”

Đức phật đã dạy đời là vô thường, kiếp sống con người mong manh như sương khói. Quả vậy, thân tứ đại của Trưởng lão đã mỏi mòn theo phong trần tuế nguyệt của thời gian, nhưng đức Ngài vẫn chuyên cần công tác Phật sự. Ngày 25 tháng 12 năm 2000, Đức Trưởng lão chấn tích quang lâm chứng minh Lễ thỉnh Phật nhập điện. Với lời nói dịu dàng từ ái, Trưởng lão đã ban lời đạo từ chứng minh công đức cho tăng tín đồ Tịnh Xá Ngọc Phúc. Như thế là ước nguyện của Trưởng lão về việc trang nghiêm Tịnh Xá Ngọc Phúc làm nơi tu học cho Tăng và tín đồ đã được thực hiện viên mãn. Niềm hoan hỷ vô biên rạng ngời trên nét mặt của Trưởng Lão.

Trong những ngày đầu xuân Tân Tỵ, và đặc biệt là trong lễ Kỷ niệm Đức Tổ sư Minh Đăng Quang vắng bóng - ngày 01 tháng 02 năm Tân Tỵ - 2001. Ngài vẫn còn chấn tích quang lâm đạo tràng ban đạo từ đến toàn thể tứ chúng vân tập từ khắp nơi về Tịnh Xá Ngọc Phúc.

Đến ngày 13 tháng 02 Âm lịch, sức khỏe Ngài đã dần cạn kiệt, trong khi các vị lương y bác sỹ săn sóc cho Trưởng Lão thì Ngài nói: “Tôi đã viết di chúc và ngày giờ ra đi của tôi cũng đã xác định. Bảy ngày nữa, tức là vào ngày vía đức Quán Thế Âm Bồ Tát tôi sẽ viên tịch.” suốt thời gian còn lại này, tinh thần của Trưởng lão lúc nào cũng thanh thản, sắc diện lúc nào cũng tươi tỉnh. Từ ngày 15 tháng 02, chư Tăng Ni và Phật tử các nơi bắt đầu về thăm viếng Trưởng lão. Ngài nói chuyện khuyên nhắc Tăng Ni Phật tử ở lại tinh tấn tu hành gởi trọn niềm tin nơi Chánh Pháp.

Sáng ngày l9 tháng 02, Trưởng lão dạy các sư thị giả tắm rửa thay y áo trang nghiêm, chuẩn bị sanh về cảnh giới Cực Lạc. Vào lúc 19 giờ ngày l9 tháng 02 âm lịch, Trưởng lão vẫy gọi môn đồ pháp quyến đến chung quanh ngài, tập trung niệm Phật tiếp dẫn. Ngài đưa mắt nhìn và vẫy tay 03 lần từ biệt rồi thu thần thị tịch vào lúc 2l giờ 30 phút ngày 19 tháng 02 năm Tân Tỵ, nhằm ngày l3 tháng 03 năm 2001. Tiếng niệm Phật vang vọng khắp đạo tràng hoà lẫn với niềm kính tiếc vô biên đối với bậc thầy khả kính. Ngài là bậc thạch trụ tòng lâm, bậc long tượng trong thiền môn đã báo trước ngày giờ xã bỏ báo thân cao đăng Phật quốc. Thọ mạng 78 năm, 38 năm hiền hoà nơi trần thế, 40 năm tiếp nối thiện duyên vui đường giải thoát. Duyên mãn, Trưởng lão dũ áo ta bà quảy bát về Tây, đúng như lời Tổ sư Minh Đăng Quang dạy: “Đắc đạo là đắc Niết-bàn. Đạo chánh là bởi thiện lành không quái ác, ấn chứng của đạo là sự vui tươi không khổ nhọc.” Tăng Ni tín đồ Hệ phái Phật giáo Khất Sĩ, thành viên Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhất tâm cầu nguyện giác linh Cố Trưởng lão Cao Đăng Phật Quốc, an ngự Niết-bàn.

Nam mô Giáo đoàn III Phật giáo Khất sĩ, Trưởng giáo đoàn, Ngọc Phúc tịnh xá viện chủ Đức cố trưởng lão GIÁC PHÚC giác linh thuỳ từ chứng giám.

Thay mặt Giáo phẩm Giáo Đoàn III và Môn đồ tứ chúng thành kính phụng soạn.

Chia sẻ với bạn bè qua:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn