510 115
Minh Đức. 03:56:57 03-04-2019 (GMT+7) -- Lượt xem: 3305.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Kinh Diệt lòng ham muốn

Kinh Diệt lòng ham muốn1 – Người nào trong lòng chứa đầy những sự ham muốn, làm các việc cho được danh vọng với đời, thì khác nào mùi hương trầm bay thoảng qua thơm phức, nhưng trong giây phút liền tan mất hết. Mấy người mê muội ấy chỉ biết háo danh chớ không hề ra sức tìm học chơn đạo. Dầu họ được toại kỳ sở nguyện đi nữa, họ cũng vẫn nghèo hèn về đạo đức, mà sau này họ còn ân hận mãi.

2 – Sắc đẹp với sang giàu, hai thứ này giống như miếng mật dính trên lưỡi dao, biết bao kẻ dại kê miệng nếm thử, không ngờ phải bị đứt lưỡi đớn đau!

 3 – Cỏ khô đem kê gần lửa thì nó bắt cháy phừng lên. Nếu người tu hành không tránh xa tình dục thì sẽ phát cháy như cỏ khô kia.

 4 – Trong các thứ dục tình, duy có thói say mê sắc tốt là dữ hơn hết, không có dục tình nào thắng nó nổi. Nhưng may thay có một mình nó mà thôi. Nếu có một thứ dục tình nào khác cũng mạnh như nó thì khó mà học đạo được.

 5 – Nếu trong lòng muốn tưởng quấy, hãy suy xét làm sao cho tấm lòng trở nên thanh tịnh như cũ. Vậy thì hãy bắt từ trên đầu suy nghĩ tới dưới chân, rồi ở ngoài suy nghĩ vô trong thân thể. Này, trong mình con người chỉ chứa những chất ô uế: xương, thịt, máu, mủ... Suy nghĩ như vậy bắt gớm nhờm mà trừ được tư tưởng quấy.

 6 – Người ở trong vòng ham muốn giống như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió, nếu không quăng đuốc phải cháy tay, sự vụng về của họ đã thấy rõ ràng. Bởi vậy khi người còn mang tam chướng là tham, sân, si và chưa thấy được đạo, thì in như kẻ điên cầm đuốc đi ngược gió mà không buông để đến phải cháy tay.

 7 – Người đời bị các điều ham muốn làm chóa mắt nên không biết đàng nào là đàng chánh. Họ giống như nước bùn có lộn năm thứ màu, nếu có cái chi làm cho nước xao động thì dòm xuống nước không thấy được hình. Cái trí cũng thế, nếu bị các điều ham muốn làm chộn rộn thì nó trở nên nhơ bợn, không thấy được đạo. Trái lại, những người biết thú tội và ăn năn chừa cải, nếu gặp được chơn sư tức thì ngộ đạo, cũng như nước lọc hết chất bùn trở nên trong sạch, dòm vô liền thấy hình rõ ràng.

 8 – Lại ví như nồi nước để trên lửa, sôi lên sùng sục, hơi bay ngun ngút, ai lại gần dòm vô thế nào cũng không thấy bóng của mình. Vậy nếu mang lấy tam chướng vào mình và phạm giới luật thì khó bề thấy được đạo. Song nếu ai biết lo rửa sạch tâm trần, dầu khi bỏ xác phàm rồi về cảnh Phật ở chốn nào, và tới lúc đi đầu thai kiếp sau, sự học thức thế nào đi nữa, chung cuộc cũng thấy rõ đường đạo.

 9 – Những kẻ phải kinh sợ vì quá tríu mến gia đình hoặc mê của tiền gia thế, thì giống như người mắc chốn lao tù, bị xiềng, bị còng, vừa buồn rầu vừa hãi hùng.

Ở trong khám còn mong ra được, chớ quá tríu mến gia đình thì sự lo sợ khác nào lúc vào hang cọp. Kẻ mê muội vì tình thương nặng quá và không đề phòng thì có thế nào dứt được sự khổ não!

 10 – Ham muốn quá phải chịu đau đớn, có đau đớn tất phải lo sợ. Hễ hết ham muốn thì hết đau đớn, hết đau đớn thì hết lo sợ.

 11 – Người học đạo giống như miếng cây trôi ra vàm sông. Nếu miếng cây ấy trôi dõi theo dòng nước, không bị tắp vào bờ, không ai vớt lên, không phải vị hung thần hay kiết thần nào làm cho trở lại, không ở lình bình một chỗ, không hư không mục, tất nhiên chảy ra biển cả. Khi con người nhập đạo rồi, không còn bị các điều ham muốn làm cho lầm lạc, không để cho các tình dục làm chủ, giữ lòng thanh tịnh và rán sức làm lành thì đắc đạo vậy.

 12 – Đạo không có hình dạng rõ ràng, muốn biết nó ra sao chẳng có ích chi cả, nhưng lo trau giồi tâm trí thì quý lắm, ví như tấm kiếng trau giồi sáng suốt tức nhiên hình rọi thấy rõ ràng. Bởi vậy ngày nào con người dứt được các điều ham muốn, lòng vẫn trống không tức thì cửa đạo mở rộng, con người bước vào đó rồi thì nhớ hết mấy kiếp trước.

 13 – Kẻ mới học đạo giống như một người chống cự với muôn ngàn kẻ nghịch. Ví như người kia mặc y giáp, mang khí giới rồi ra trận, hoặc người ấy sợ mà trở lại liền, hoặc đi nửa đường trở lại, hoặc tử trận, hoặc thắng trận về xứ được người tôn trọng vinh vang. Bởi vậy nếu ai bền chí giữ gìn tánh hạnh, hết sức ăn ở theo đường đạo đức, không để cho sự dốt nát mê muội làm lầm lạc, thì tránh được hết các tình dục và sẽ đắc đạo.

 14 – Người học hỏi trong đường đạo giống như sắt, người ta nấu đặng lọc cho sạch, nấu nhiều lần mới lấy ra hết sét và cặn cáu, chừng ấy mới có thể dùng làm nên nhiều đồ tốt... Bởi vậy những người nhập đạo, lần hồi rửa sạch cái tâm, chẳng cho dính chút bợn nhơ nào, và cứ một lòng lo đạo đức, thì thế nào cũng đắc đạo. Bằng như họ lo rầu, làm cho hư hại tinh thần họ, mà rồi cái cảnh ảnh hưởng ấy nó làm cho họ xa đường đạo; hễ xa đường đạo thì họ phải lầm lỗi, và tội của họ làm chất chứa thêm hoài.

 15 – Khi con người chuyên lo đạo đức, xa lánh các tình dục, thì giống như xâu chuỗi treo trên không, mỗi ngày mỗi rứt từng hột, cứ rứt hoài thì xâu chuỗi phải hết.

Bởi vậy cho nên nếu ai phá tan sự vô minh mê muội thì đắc đạo rất dễ dàng.

 16 – Một con bò chở nặng đi ngang qua vũng lầy, hồi đi thì cực nhọc rên siết, nhưng qua đến bờ khô ráo nghỉ ngơi rồi, nó quên hết các sự mệt nhọc. Người học đạo cũng thế, các tình dục làm cho người lo sợ, cũng như lo sợ vũng lầy. Nhưng dầu cho người sợ sệt thế nào, nếu người bền chí dốc lòng chuyên lo đạo đức, ắt người sẽ tránh khỏi các sự đau khổ của kiếp luân hồi.

 17 – Những nhà đạo sau khi thí phát rồi thì bỏ hết của trần, ngày đi xin ăn, đêm ngủ dưới cội cây, chỉ dùng một bữa cơm ngọ mà thôi! Tại sao thế? Là bởi vì con người thường bị những sự vui sướng áng mắt, giục làm các việc lỗi lầm.

 18 – Phật xưa có dạy rằng: Các ngươi đừng quá tin ở tấm lòng của các ngươi, các ngươi hãy rán giữ mình, đừng để say đắm về hình thức, vì hễ say đắm về hình thức thì phải chịu đau khổ. Ngày nào được chứng quả La-hán rồi, chừng ấy mới nên tin ở lòng mình.

 19 – Lìa cha mẹ, bỏ cửa nhà đặng nhập đạo, một lòng chí quyết học hỏi cho rõ chơn tâm bổn tánh và hiểu thấu phép vô vi của Phật, tức là thành một vị Tu-đà-hoàn.

Trì chí ăn ở theo 250 giới luật nghi, đừng bỏ qua một giới nào, rán hết sức cho thâm nhập Tứ diệu đề và rửa lòng trong sạch là thành một vị A-la-hán.

 20 – Khi những vị đã dứt hết sự dục vọng, không thọ lãnh cái chi nữa, không tìm kiếm cái chi nữa, không bị đạo ràng buộc nữa, không bị việc trở ngại nữa, không còn tư tưởng nữa, không còn hành động nữa, không tham thiền nữa, không tỏ ra bề ngoài cái chi nữa, mấy vị ấy lên tới bậc Toàn Giác Tuyệt Đối, đó tức là ĐẠO.

Tổ sư Minh Đăng Quang biên tập (Trích Chơn lý 68: Pháp Học Sa-di II – Định) (Theo anhnhiendang.com)
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn