310 157
Minh Đức. 22:26:31 18-10-2018 (GMT+7) -- Lượt xem: 1090.
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Giàu Sang !

Giàu Sang !Chú là cư sĩ ở chùa. Năm nay, mùa Vu Lan đến, cầm chiếc máy ảnh trên tay chụp những khóm hồng trước sân chùa đang chớm nở, lòng chú lại bồi hồi chợt nhớ về những ký ức sâu xa. Chú thấy tâm tư mình lắng đọng, chỉ trào dâng lên một xúc cảm không lời. Ký ức ấy chính là ân nghĩa sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
 
Ngày xưa, khi chú vừa tuổi trăng tròn, vì hoàn cảnh khó khăn mà chú đành mãi mãi xa rời mái trường thân yêu, để đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình. Chú được nhận làm ở một công ty tên là “Cophaco”, công ty chuyên sản xuất dòng máy quạt điện. Công ty cách nhà khoảng 12¬-13km, nhưng với chiếc xe đạp liêu xiêu cũ kĩ, chú vẫn hàng ngày lăn bánh trên con đường quen thuộc, để có thể kiếm được một ít tiền về phụ giúp cha mẹ. Mỗi ngày, cứ 5h30 sáng là chú bắt đầu đi làm, đến 6h chiều thì về nhà, hôm nào tăng ca thì đến 9h tối mới về. Một tối nọ làm tăng ca phải về trễ, lúc về xe đạp của chú lại “dở chứng”, nên đã trễ lại còn trễ hơn. Trời đã về khuya, chẳng còn tiệm sửa xe nào mở cửa, trời lại bất chợt mưa, mưa xối xả, bụi bay mù mịt. Chú cứ bước lê từng bước nặng nề. Mệt nhoài, lạnh buốt. Chú muốn khóc mà khóc cũng chẳng nổi. Cứ lầm lũi đi, chẳng biết bao giờ chú mới về được đến nhà.

Ở nhà, mẹ chú cứ đứng ngồi không yên, tựa cửa ngóng ra ngoài đường. Mưa lớn như vậy, thằng bé chắc chết lạnh mất. Nhìn cơn mưa như xé trời, bà tan nát cả cõi lòng. Rồi không kiềm được, bà quyết định đi tìm chú. Trong đêm tối mịt mùng, bà vừa đi vừa gọi: “Hải Anh ơi! Giờ này con đang ở đâu?”

Những hạt mưa nặng trĩu như đang xóa mờ đôi mắt của chú. Vậy mà từ đằng xa, chú vẫn có thể nhận ra dáng mẹ đang đi tìm chú. Chú bật khóc, nước mắt thấm vào mưa. Mưa lớn thiệt, nhưng chú biết rằng vẫn chưa thấm vào đâu so với nước mắt của mẹ đã rơi vì chú.

“Nước mắt rơi thêm lời hỏi đáp 
Con ơi con, con có lạnh không! 
Dạ thưa mẹ! Con đây đã ấm rồi
Ấm vì mẹ đã ở bên con
Mẹ đến bên con như vầng trăng soi sáng
Đưa con thoát khỏi u tối của màn đêm
Đừng khóc nữa! Mẹ ơi, đừng khóc nữa!
Chúng ta cùng cất bước trở về thôi…!”

Mẹ chú, người phụ nữ suốt một đời tảo tần, hy sinh cũng chỉ vì niềm hạnh phúc giản đơn là được vui sống bên chồng, bên những đứa con thương yêu của mình. Chú thương mẹ vô cùng, thương một đời lam lũ, tận tụy hết lòng vì chồng, vì con. Chú còn nhớ như in, những đêm khuya khi mọi người còn chìm trong giấc ngủ, mẹ đã bật dậy, mẹ hấp bánh, rồi lại hấp khoai. Hấp xong rồi lại gánh gồng ra chợ, rao những lời khát cổ, cũng vì con. Rao hẻm này rồi lại rao hẻm khác, gánh hàng rong biết trôi dạt về đâu??? Bữa nào bán đắt thì mẹ chú vui khôn xiết, vì nhà chú hôm nay có được bữa cơm ngon. Còn ngày nào bán ế thì mẹ chú vẫn cười tươi, nhưng cái tươi cười đó vẫn in hằn một nỗi buồn tận sâu thẳm đáy lòng của mẹ. Và nỗi buồn đó sẽ trào dâng khi nhìn thấy những đứa con của mình “ngậm ngùi” nhai từng chiếc bánh ế để trừ cơm.

“Vui thay trong một mái nhà
Tuy ăn bánh ế nhưng mà vẫn vui
Mẹ xin đào hố, chôn vùi
Khổ đau, khó nhọc, không lùi đâu con
Đêm nay khi ánh trăng tròn
Chắp tay khấn nguyện cho con nên người…!”

Đi khắp thế gian không ai bằng mẹ, tình thương cha hiền dành hết đời con. Vậy mà một lần nữa chú đã khiến cha mẹ phải buồn, phải khóc vì chú. Vì gia đình quá nghèo nên cha mẹ đã phải vất vả đêm ngày, để có thể chăm lo đầy đủ cho chú và các em từ cái ăn, cái mặc. Nhiều khi chú thầm trách ông trời sao lại quá bất công, người giàu thì quá giàu, dinh thự nguy nga, ruộng đất cò bay thẳng cánh, kẻ nghèo thì nghèo xơ nghèo xác, không chòi tranh vách đất. Gia đình chú thì phải ở nhà trọ nhỏ xíu. Sống trong không gian chật chội, ngột ngạt ấy, chú tưởng cả nhà mình như bị gói trong một cái hộp kín, tù túng không chịu nổi. Hằng đêm nằm gác tay lên trán, chú thấy thương cha mẹ và các em nhiều lắm. Chú phải ra đi thôi, vì chú muốn làm cho cha mẹ và các em cảm nhận và hình dung cho bằng được cái gọi là “nhà cao cửa rộng”. Đồng tiền đã chia ranh giới xã hội nghèo giàu, và cũng vì nó mà chú đã gieo trong đầu mình ý nghĩ phải rời xa mái ấm gia đình thân yêu.

Thế là một ngày kia, chú ngậm ngùi ngồi viết từng con chữ, từng con từng con ghép thành dòng lệ rơi: “Con đi biết khi nào sẽ trở lại. Cha mẹ đừng buồn khi đã vắng con. Con biết khi gia đình mình đọc được những dòng chữ này thì không chỉ là buồn mà còn rất đau, vì không biết con đang ở chốn nào? Kính thưa cha mẹ, con biết công ơn dưỡng dục như trời biển của cha mẹ dù đến cuối cuộc đời này con cũng không thể đền đáp hết. Con ra đi thế này thật đã là mang tội bất hiếu rồi - cái tội lớn nhất mà người đời không thể chấp nhận. Thưa cha mẹ, con không cầu mong ba mẹ sẽ tha thứ cho con, chỉ mong sao cha mẹ được sống mạnh khỏe, đừng vì đứa con bất hiếu này mà phải hao tâm tổn sức. Còn các em của anh, hãy cho anh xin lỗi vì những gì từ trước đến nay anh đã không đúng với các em. Hãy tha thứ cho anh và đừng bao giờ làm cho cha mẹ buồn như người anh này. Chỉ một người thôi cha mẹ cũng đủ chết cả một đời rồi, các em ạ”.

Thời gian thấm thoát dần trôi, vậy là chú cũng đã bước sang tháng thứ 2 kể từ khi bỏ nhà ra đi. Chỉ mới 2 tháng bươn chải, tự lập mà chú cũng đã thấy mỏi mệt lắm rồi khi mỗi ngày chú phải sống quằn quại trong cái đói, ngày ngày phải đi kiếm từng chén cơm, manh áo. Chú cũng đã từng là một thằng “culy”, làm phụ hồ được một tuần thì bị đuổi việc, vì thân hình chú quá nhỏ không làm được việc nặng. 
Lang thang mãi, khi mặt trời nhẹ buông, chú lại nép mình trong những con hẽm, những con hẽm không bóng người qua lại. Lang thang mình chú nơi đây, trên cỏ hoang giữa không gian xa lạ, biết về đâu khi màn đêm nhẹ tan, giấc ngủ đêm tàn. Bình mình lại đến, nắng vàng trải dài trên từng ngọn cây, cọng cỏ, những chú chim non lại ríu rít hót lên khúc nhạc ngân nga đón chào ngày mới. Một ngày vui phơi phới với bao điều phấn khởi. Còn riêng chú thì sao? Tuy đã là ban mai tươi sáng, nhưng đối với chú đó chỉ là một màn đêm tăm tối của cuộc đời khi đã xa mái ấm gia đình.

"Giờ đây chú cũng biết sầu
Sầu khi vắng mẹ, vắng bầu trời xanh.
Đêm nay ngồi giữa lá cành
Nhớ cha, khát đói để dành phần con"

Lang thang mãi đến một ngày chú trôi dạt đến quán cơm tại đường Trương Vương, quận 6, TP. HCM. Chú đã xin làm việc ở đó, công việc đơn thuần là hàng ngày phụ bán cơm, dọn dẹp, rửa chén. Mỗi ngày chú phải dậy lúc 4h sáng để phụ nấu cơm, làm thức ăn. Công việc cứ thế mà làm, làm cho tới 1h khuya chú mới có thể đi tắm rửa, và nghỉ ngơi. Chú biết với sức khỏe thân tứ đại này của chú thì sẽ không duy trì được bao lâu với công việc như thế này. Và rồi ngày đó cũng đã đến, chú đã ngã quỵ trong khi đang làm việc. Khi tỉnh lại, chú đã thưa với ông chủ cho chú được nghỉ việc vì quá mệt và cho chú xin tiền lương để về với gia đình. Tiền lương lúc đó chỉ có 500 ngàn một tháng. Nhưng oái ăm thay, ông chủ lại lấy bản hợp đồng mà trước đó, vì quá đói mệt sau những ngày lang thang rong ruổi, chú đã nhắm mắt nhắm mũi mà ký, không hề đọc và suy nghĩ gì cả. Bản hợp đồng ghi rõ “nếu chưa làm đủ một tháng thì không trả tiền lương”, mà chú thì chỉ làm được 26 ngày. Chú đành xin ở lại làm cho đủ một tháng nhưng ông chủ không chịu, đành lòng đuổi chú đi mà không trả một đồng, lại còn nói: “Nếu mày muốn lấy lại “CMND” thì phải chuộc với giá 100 ngàn”. Chú bất lực trước câu nói này. Lúc bấy giờ, chú mới hiểu được thoát khỏi nơi đó, tưởng như mình thoát khỏi địa ngục. Lại lang thang lê từng bước chân, chú cứ ngỡ chuyện như vậy chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, vậy mà thời hiện đại vẫn còn đó, người ơi!!

"Cổ thời, tích cũ là chi
Nhà rồng, bến cảng vẫn y như thời
Chung tay tiếp giúp cảnh đời
Thành người trí đức của thời hôm nay."
 
Vậy là một mùa thu đầy ước hẹn cũng đã đến, khi lá bên đường đã chuyển màu vàng sậm. Những hạt mưa ngâu nhè nhẹ rơi làm dịu hẳn đi cái oi bức, nóng nực của mùa hè nơi thành thị. Những cánh phượng vỹ cuối cùng cũng đã phai nhạt đi màu hoa rực rỡ, rụng rơi trên vai người qua lại. Vậy là một mùa “báo hiếu” nữa đã trở về. Tạt nhìn qua cửa Thiền, dòng chữ “Đại lễ Vu Lan Báo Hiếu” hiện ra trước mắt chú. Nhìn dòng chữ này chú như muốn ào vào lòng mẹ, cười khẽ cùng cha, rồi chú muốn tìm lại chút dư âm của ngày xưa thân ái, muốn quay về đoàn tụ cùng gia đình, muốn nghe lại những lời dạy bảo ôn tồn tuy có nghiêm khắc nhưng đầy sự từ ái của cha, muốn được ngủ say bên chiếc võng đưa trong câu hát ru à ơi ngọt ngào của mẹ. Giờ chú mới nhận ra rằng, không có nơi nào bình yên bằng tấm lòng của mẹ, không có sự che chở nào bằng trái tim ấm áp của cha. Nhưng chú phải biết làm sao đây khi bốn bể chẳng phải là nhà, không tình thương, không thân bằng quyến thuộc. Vét túi trên, túi dưới, chú không một xu dính túi, cũng chẳng còn có gì để có thể đổi thành tiền. Vậy là, bàn tay xòe với hai dòng lệ rơi, xin người này, chú lại xin người khác: “hỡi người ơi giúp dùm 10 ngàn”. Cuối cùng rồi cũng đủ 10 ngàn. Cầm 10 ngàn trên tay chú lao vào bưu điện. Đầu dây bên kia là tiếng của cha, chú nghẹn ngào, giọng run run hỏi:
 
“Cha mẹ và các em có khỏe không ?” 
 
Cha nghẹn ngào, không kiềm được nỗi mừng vui:

“Con ơi, con đang ở chốn nào? Cha và mẹ đi tìm con khắp chốn, hết chỗ này đến chỗ kia, tìm nhiều lắm con ơi. Vì nhớ thương con nên mẹ ngày nào cũng khóc và đã đổ bệnh rồi, con có biết không? Con đang ở đâu để cha đến rước con về”.

“Cha ơi! Cho con xin lỗi! Con sẽ về, hãy để con tự về”.

Vậy là, chuyến xe buýt Miền Tây - An Sương đã dần dần lăn bánh. Chú mới đi có 2 tháng thôi, mà ngỡ chừng như đã hai năm rồi. Xe dừng lại ở ngã tư Bà Điểm, Hóc Môn, nơi chú đã từng khôn lớn. Vậy mà khi đối diện với cái ngã tư nay thì chú không nhận thấy lối về, không nhận thấy lối về vì chú quá mừng vui khi sắp được trở về bên mái ấm tình thương. Là một đứa con thất bại khi trở về, chú tự nhủ với lòng, về đến nhà là phải quỳ sát đất để cầu xin cha mẹ thứ tha lầm lỗi. Nhưng vừa về đến nhà, rưng rưng nước mắt, cha và mẹ đã ôm chặt chú vào lòng bằng tất cả tình yêu thương thiêng liêng, nồng ấm “Con về là cha mẹ đã vui, đã mãn nguyện lắm rồi, dù cho con có lầm đường lỡ bước thì con vẫn là con của cha mẹ”. Chú thấy như có mũi tên đâm xuyên thấu tim mình. Chú muốn buông hết tất cả để có thể ôm chặt cha mẹ chú hơn. Thêm một lần, chỉ một lần nữa thôi, hãy cho chú được nói lời xin lỗi khi đã làm cho cả gia đình phải buồn, phải khổ vì chú. Chỉ vì ý nghĩ sai lầm khi chú không biết định nghĩa hai chữ giàu sang để rồi đã khiến cha mẹ phải khóc rất nhiều vì chú.

Trở về với cha mẹ, với những đứa em thân yêu của mình sau những tháng ngày bươn chải, vất vưởng ngoài đời, chú mới thật sự thấu hiểu thế nào là hai chữ giàu sang. Giàu sang không phải ở tiền tài vật chất, mà là ở tình thương yêu ấm áp của gia đình, được ở bên cha, bên mẹ và các em thân yêu. Chú đã giàu sang lâu rồi, vậy mà đến bây giờ chú mới nhận ra, vậy mà bấy lâu nay chú lại đi tìm kiếm.

Đêm nay quỳ trước Phật đài
Chắp tay thành kính lạy Ngài Quan Âm
Cầu Ngài bố Pháp vững tâm 
Để cho cha mẹ tin thâm Pháp mầu
Tin thâm để bớt khổ sầu
Đứa con bất hiếu nguyện cầu mười phương
Nguyện cho cha mẹ khỏe thường
Nương ngôi Tam Bảo chỉ đường con đi. 

              

Tâm Hưởng 
Chia sẻ với bạn bè qua:
Các tin đã đăng:
Thông tin tòa soạn
Liên hệ tòa soạn